Tham gia công cuộc kháng Kim Ngu Doãn Văn

Tần Cối nắm quyền, kẻ sĩ đất Thục đều lánh đi. Cối chết rồi, Cao Tông muốn thu dùng họ, Trung thư xá nhân Triệu Quỳ tiến cử Doãn Văn. Đế triệu đến, sau khi hầu chuyện, cho ông chức là Bí thư thừa (tòng thất phẩm), rồi thăng quan là Lễ bộ lang. Tháng giêng ÂL năm thứ 30 (vẫn còn là năm 1159), Kim đế Hoàn Nhan Lượng lộ rõ ý đồ xâm Tống, Doãn Văn dâng sớ đề nghị chuẩn bị chống giặc. Tháng 10 (1160), triều đình cho ông mượn chức Công bộ thượng thư tham gia sứ đoàn. Ở công quán, Doãn Văn thi bắn, một phát tên làm vỡ đích, khiến mọi người kinh ngạc. Ông thấy rất nhiều thuyền vận lương đang được đóng, khi tạm biệt, Hoàn Nhan Lượng nói rằng: "Ta sắp đi ngắm hoa ở Lạc Dương." Doãn Văn trở về báo lại mọi chuyện, đề nghị phòng bị ở các sông Hoài, Hải.

Sau khi nhận chức Trung thư xá nhân (quan, chính tứ phẩm), Trực học sĩ viện (sai khiển) [2], ông đề nghị bãi quyền tổ chức nhân sự của Tam nha [3], lấy việc gian thần Tần Cối khuynh đảo triều chính 18 năm làm gương, đế nghe theo.

Kim sứ Vương Toàn, Cao Cảnh Sơn đến mừng sinh nhật đế, truyền miệng yêu cầu của Hoàn Nhan Lượng ngang nhiên đòi lấy vùng Hoài Nam của Tống. Triều đình bàn bạc, rồi triệu bọn Tam nha đại tướng Triệu Mật chuẩn bị cất quân, khẳng định sẽ đánh. Thành Mẫn được làm Kinh, Hồ chế trí sứ, nắm 5 vạn cấm vệ án ngữ thượng lưu Tương, Hán. Doãn Văn nhận định đây là kế hư trương thanh thế, phân chia binh lực nhà Tống nhằm vượt sông Hoài của nhà Kim, nhưng triều đình không theo, vẫn sai Mẫn lên đường. Tháng 7 ÂL, Hoàn Nhan Lượng dời đến Biện Kinh, ông đề nghị với tể tướng Trần Khang Bá: quân đội của Thành Mẫn ước đoán đã đến Giang Châu [4] hoặc Trì Châu [5]; nên lệnh cho họ đến đâu thì dừng lại ở đó. Nếu quân Kim ra thượng lưu, thì lấy quân Kinh, Hồ chống lại, lấy quân Giang, Trì làm hậu viện; nếu quân Kim ra Hoài Tây, thì lấy quân Trì Châu ra huyện Sào, quân Giang Châu ra Vô Vi, cứu viện Hoài Tây, như thế là một cánh quân, hai tác dụng. Khang Bá đồng ý, cho Thành Mẫn đóng đồn ở Vũ Xương.

Tháng 9 ÂL năm thứ 31 (1161), Kim đế mệnh Lý Thông làm Đại đô đốc, làm cầu nổi ở thượng du sông Hoài. Hoàn Nhan Lượng tự làm tướng, phao lên có trăm vạn binh, lều trướng trông sang bờ nam, tiếng chiêng trống không dứt. Tháng 10, Lượng từ Quan Khẩu vượt sông Hoài. Trước đó, triều đình cắt đặt Lưu Kĩ ở Hoài Đông, Vương Quyền ở Hoài Tây. Đến nay, Quyền bỏ Lư Châu, Kĩ cũng lui về Dương Châu, trong ngoài kinh sợ. Đế muốn chạy ra biển, Trần Khang Bá hết sức khuyên đế thân chinh. Ngày Mậu Ngọ tháng ấy (20 ÂL, 8/11), Xu mật viện sứ Diệp Nghĩa Vấn làm Đốc Giang, Hoài quân, lấy Doãn Văn tham mưu quân sự. Quyền từ Hòa Châu trốn về, Kĩ lui lại Trấn Giang, nhà Tống mất cả vùng Lưỡng Hoài.